Ngành Dược là một trong những ngành học đòi hỏi sự nghiêm túc, kiên trì và nền tảng kiến thức vững chắc. Dưới đây là chi tiết về các môn học của ngành Dược mà bất kỳ sinh viên nào cũng cần phải học
1. Ngành Dược cần học những môn đại cương
Giống như hầu hết các ngành học khác, sinh viên ngành Dược sẽ bắt đầu chương trình học của mình với các môn đại cương, nhằm xây dựng nền tảng kiến thức cơ bản. Những môn học này thường được học trong năm nhất và năm hai.
Một số môn đại cương bao gồm:
– Toán cao cấp: Giúp sinh viên phát triển tư duy logic, kỹ năng tính toán.
– Xác suất thống kê: Cung cấp kiến thức về thống kê, hỗ trợ trong nghiên cứu và phân tích dữ liệu y học.
– Triết học Mác – Lênin: Giúp sinh viên hiểu sâu hơn về nền tảng lý luận và tư tưởng chính trị của Việt Nam.
– Chủ nghĩa Xã hội khoa học: Giới thiệu về lý thuyết và quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội.
– Pháp luật Y Dược: Hướng dẫn về các quy định pháp luật trong lĩnh vực Dược.
2. Các môn cơ sở chung của ngành Dược
Sau khi hoàn thành các môn đại cương, sinh viên ngành Dược sẽ tiếp tục với các môn cơ sở chung, xây dựng nền tảng cho việc học các môn chuyên ngành sau này. Một số môn cơ sở ngành Dược tiêu biểu bao gồm:
- Hoá lý Dược: Nghiên cứu về các nguyên lý hoá học và vật lý ứng dụng trong Dược.
- Vi sinh: Học về các vi sinh vật gây bệnh và ứng dụng trong điều trị.
- Ký sinh trùng: Nghiên cứu các loại ký sinh trùng và cách phòng ngừa, điều trị.
- Bệnh học: Học về các bệnh lý phổ biến và nguyên nhân gây bệnh.
- Hoá phân tích (1 và 2): Cung cấp kỹ năng phân tích thành phần hóa học của thuốc.
- Hoá hữu cơ (1 và 2): Tập trung vào các hợp chất hữu cơ và ứng dụng trong sản xuất thuốc.
- Giải phẫu: Hiểu về cấu trúc cơ thể người.
- Hoá sinh: Nghiên cứu các phản ứng sinh hoá trong cơ thể.
- Thực vật Dược: Nghiên cứu về các loại thảo dược có giá trị trong y học.
- Sinh lý bệnh – Miễn dịch: Hiểu về cơ chế miễn dịch và quá trình bệnh lý.
3. Các môn học quan trọng trong 5 lĩnh vực chuyên ngành
Khi bước vào giai đoạn cuối, sinh viên sẽ bắt đầu chuyên sâu vào các môn chuyên ngành tùy theo hướng đi mà mình lựa chọn. Dưới đây là 5 chuyên ngành phổ biến cùng các môn học tương ứng:
– Dược lâm sàng: Sinh viên sẽ học các môn như Hoá Dược học, Dược lý học, tư vấn sử dụng thuốc và quản lý chất lượng thuốc tại các bệnh viện.
– Dược liệu và Dược cổ truyền: Nghiên cứu về tính chất của các hợp chất dược liệu, định lượng, định tính và phân loại Dược liệu.
– Sản xuất và phát triển thuốc: Sinh viên học Bào chế học, Hoá Dược học, kỹ năng phân tích, bào chế thuốc và cải tiến quy trình sản xuất thuốc.
– Kiểm tra chất lượng thuốc: Sinh viên sẽ được học cách kiểm tra, đánh giá chất lượng thuốc và nguyên liệu dựa trên các tiêu chuẩn quy định.
– Quản lý và cung ứng thuốc: Chuyên ngành này tập trung vào các môn về pháp luật, kinh tế và quản lý hệ thống cung ứng thuốc.
4. Ngoại ngữ và kỹ năng mềm
– Tiếng Anh: Là môn học quan trọng giúp sinh viên tiếp cận với thông tin quốc tế về thuốc và y dược. Sinh viên cần đạt trình độ tiếng Anh tương đương B1 khi ra trường.
– Kỹ năng mềm: Kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, lắng nghe là những yếu tố cần thiết giúp sinh viên ngành Dược phát triển trong môi trường làm việc sau này.
Ngoài các môn học lý thuyết, sinh viên ngành Dược cũng cần thực hành tại các phòng thí nghiệm và cơ sở y tế để nâng cao tay nghề và chuẩn bị cho công việc tương lai. Ngoài ra, đối với hệ liên thông dược hoặc dược văn bằng 2, các môn học đại cương và cơ bản cũng có sự thay đổi.